Hợp đồng 68 thực chất là chỉ loại hợp đồng được ký theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP về chế độ hợp đồng của một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Người ký hợp đồng 68 có phải viên chức không?
Để xác định một người có phải viên chức không thì phải căn cứ vào Luật Viên chức. Cụ thể, theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được định nghĩa như sau:
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này, để một người được xác định là viên chức thì người đó phải đáp ứng đồng thời các quy định sau:
- Được tuyển dụng theo vị trí việc làm.
- Làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng làm việc.
- Được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, người ký hợp đồng 68 là người thực hiện các công việc cụ thể (lái xe, bảo vệ, vệ sinh...) trong đơn vị sự nghiệp công lập, được thực hiện chế độ hợp đồng thông qua việc ký kết các loại hợp đồng gồm: Hợp đồng thuê khoán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế...
Đặc biệt, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 68/2000, không thực hiện ký hợp đồng lao động với người được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, từ các phân tích trên, có thể khẳng định, người ký hợp đồng 68 trong đơn vị sự nghiệp công lập không phải là viên chức.
Đáng nói thêm, theo dự thảo về Nghị định mới thay thế Nghị định 68 có nói rõ hơn về mức lương áp dụng cho những đối tượng được ký hợp đồng lao động trong cơ quan Nhà nước là có thể áp dụng bảng lương của viên chức trong Nghị định 204/2004/NĐ-CP nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Trên đây là giải đáp chi tiết về hợp đồng 68 là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bà Phạm Ngọc Bích (Sơn La) là quân nhân chuyên nghiệp, nhập ngũ tháng 3/1989. Bà đã có quyết định nghỉ chờ hưu. Trước khi nghỉ chờ hưu bà công tác tại đồn biên phòng có khu vực đặc biệt khó khăn.
Bà Bích hỏi, khi bà nghỉ chờ chế độ hưu, bà không được hưởng các khoản phụ cấp tại Điều 3 Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 có đúng không? Theo trả lời của Ban Tài chính, bà Bích ra khỏi vùng khó khăn nên không được hưởng nguyên lương.
Bà Bích nghỉ phép 40 ngày và bị trừ mọi khoản phụ cấp. Ban Tài chính trả lời là nghỉ 30 ngày không được hưởng nguyên lương. Bà Bích hỏi, bà có được hưởng nguyên lương khi nghỉ phép 40 ngày không? Qua tìm hiểu Thông tư số 113/2016/TT-BQP, bà Bích được biết khi nghỉ phép, nghỉ chờ chế độ hưu được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp nếu có.
Về vấn đề này, Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Hiện nay, chế độ nghỉ phép, nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) được quy định tại Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng; Hướng dẫn số 173/CT-CS ngày 26/1/2022 của Tổng cục Chính trị. Theo đó, QNCN được nghỉ hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định của Bộ Quốc phòng khi nghỉ phép hằng năm, nghỉ phép đặc biệt, nghỉ chuẩn bị hưu.
- Đối với tiền lương được hưởng: QNCN được hưởng nguyên mức lương theo loại, nhóm, bậc đối với QNCN quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Đối với phụ cấp được hưởng: QNCN được xem xét hưởng các loại phụ cấp (nếu có) theo đúng đối tượng, điều kiện, thời gian hưởng, cách tính hưởng…, đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với từng loại phụ cấp.
Do bà Phạm Ngọc Bích không nêu rõ loại phụ cấp không được hưởng trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nghỉ phép nên Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng dẫn chiếu một số quy định để làm cơ sở xem xét hưởng các loại phụ cấp trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nghỉ phép đối với QNCN như sau:
- Về chế độ phụ cấp khu vực: Tại Điểm a Khoản 3 Mục II Thông tư số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực quy định:
"Phụ cấp khu vực được xác định, chi trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc"; "Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi".
- Về chế độ phụ cấp đặc biệt: Tại Điểm b Mục II Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định: "Phụ cấp đặc biệt chi trả cho những tháng thực sự công tác trên địa bàn, khi rời khỏi địa bàn từ một tháng trở lên hoặc đến công tác không tròn tháng thì không được hưởng".
- Về chế độ phụ cấp thu hút: Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn quy định:
"Trường hợp nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn) thì thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này".
- Về chế độ phụ cấp đặc thù quân sự: Tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 15/2009/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù quân sự đối với một số đối tượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam quy định:
"Quân nhân khi không thực hiện hoặc không trực tiếp thực hiện các công việc có quy định được hưởng phụ cấp đặc thù quân sự theo quy định tại Quyết định này thì thôi hưởng phụ cấp đặc thù quân sự từ tháng tiếp theo".
Do đó, trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nghỉ phép, việc xem xét được hưởng hoặc không được hưởng đối với các loại phụ cấp cần căn cứ vào các quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, nguyên tắc hưởng, cách tính hưởng... của từng loại phụ cấp tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.